Đại diện các tân tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, bác sĩ và dược sĩ tuyên thệ trong buổi lễ tốt nghiệp do Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức.

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội, do Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ tổ chức.

PGS.TS Phạm Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hội thảo gồm các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ, xây dựng công cụ quản trị, cách quản lý công việc hiệu quả, mô hình chi trả thu nhập tăng thêm.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học đang được áp dụng tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc khối sức khỏe trên cả nước thực hiện cơ chế tự chủ. GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, chỉ có tự chủ mới giúp trường phát triển và hội nhập.

Năm 2020, bước ngoặt mới của Trường ĐH Y dược Cần Thơ là thay đổi mô hình quản trị. Có hai phương thức: quản trị theo mục tiêu và quản trị theo quá trình. Theo đó, các trường lựa chọn phương thức tối ưu để đạt được mục tiêu tổ chức.

Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, cả hai phương thức trên đều có ưu, nhược điểm riêng nên cần tính toán, dung hòa khi áp dụng vào thực tiễn để đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, cần lấy quản trị theo mục tiêu là chính.

Theo đó, phải đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn chiến lược. Muốn quản trị theo mục tiêu cần bảo đảm các điều kiện: Phải xác định được khung thời gian và xây dựng được mục tiêu; phải có công cụ quản lý; phải sử dụng được kết quả đánh giá.

GS.TS Nguyễn Trung Kiên trao đổi về quản trị theo mục tiêu.

Tham luận về mô hình quản trị chiến lược Thẻ điểm cân bằng (BSC) và chỉ số đánh giá hiệu suất công việc KPI/PI, ThS Phạm Thị Mỹ Ngọc – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Y dược Cần Thơ nhấn mạnh đến 4 yếu tố: Mục tiêu, thước đo, giám sát tài chính hoặc quản lý; mục tiêu, thước đo, giám sát của khách hàng; mục tiêu, thước đo, giám sát quá trình nội bộ; mục tiêu, thước đo, giám sát về đào tạo và phát triển.

ThS Phạm Thị Mỹ Ngọc cho hay, quá trình hoàn thiện các thước đo trong BSC được thực hiện từ dưới lên trên, bắt đầu từ thước đo đào tạo và phát triển. Ý nghĩa cân bằng của mô hình thể hiện ở chỗ cân đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tài chính và các yếu tố phi tài chính, các chỉ tiêu đầu vào, đầu ra của kết quả; các hoạt động hướng ra xã hội và các hoạt động được thực hiện vì nội bộ.

Ngoài ra, cần gán KPI tương ứng với các yếu tố mục tiêu. Dựa vào KPI định kỳ sẽ xác định được khoảng cách giữa hiệu suất làm việc thực tế và mục tiêu đã định ra. Cuối cùng là kết nối các yếu tố mục tiêu lại với nhau, hình thành mô hình BSC (Mỗi con số đều gắn chặt với thực tế trường đang quản trị).

ThS Phạm Thị Mỹ Ngọc tham luận tại hội thảo.

Theo ThS Phạm Thị Mỹ Ngọc, Thẻ điểm cân bằng giúp kết nối: sứ mạng (mục đích tồn tại của trường); tầm nhìn (mong muốn đạt được); giá trị cốt lõi (giá trị, niềm tin của trường); các mục tiêu chiến lược; phạm vi, lợi thế cạnh tranh; nguồn lực cạnh tranh; các chỉ tiêu, hiệu suất trọng yếu (KPI); giải pháp, sáng kiến, dự án… giúp đạt được mục tiêu.